Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

Những kỳ thi như tôi được biết

      Những kỳ thi lại sắp đến rồi, dù mình không phải đi thi vẫn thấy xốn xang. Xưa thì lo cho mình, rồi lo cho trò, bây giờ thì thật là không biết lo cho ai, không chỉ ra thật cụ thể được. Mà sao vẫn lo. Hay là mình mắc bệnh gì.
     Ngày trước học hết cấp I là đã phải thi. Có đến hai kỳ thi. Một là thi hết cấp, hai là thi chuyển cấp. Thi hết cấp thì thấy nhẹ nhàng, không có điều chi căng thẳng. Nhưng thi chuyển cấp thì căng. Ngay từ đầu thầy đã bảo: Cả huyện chỉ có vài trường cấp II, trong khi hầu hết các xã đều có trường cấp I. Mà cả huyện có đến 42 xã.
     Vào thi, ngồi làm bài thằng nào cũng nín thinh, lưng thẳng đơ, không ngọ ngoạy. Đến gần cuối giờ thi toán thì nghe tiếng loa mo cau từ trên cao đâu ngoài đường vọng vào: Đáp số (chừng này), vơ bây! Tôi thấy không trùng với đáp số của mình, hơi hoảng. Lần lại từng phép toán, không thấy sai chỗ nào. Trong bụng muốn sửa theo người ta mà không biết sửa từ đâu, đành để thế đem nộp. Không dè mình đúng, còn mấy anh học trước, đã lên cấp II thì lại giải sai.
        Ngày ấy còn nhỏ, thi xong là về, cũng chẳng để tâm làm sao mà đề lại lọt ra ngoài được, cũng chẳng cần biết mấy anh cấp II ấy là ai. Thực ra thì đâu có nhiều những anh chị học trước chúng tôi trong xóm hay trong xã.
      Đến lớp 6 thì tôi về thị xã học. Hết cấp II lại cũng phải qua hai kỳ thi như hồi cấp I. Phải thi 4 môn hết cấp nhưng cũng nhẹ nhàng dù cho đến gần 1/4 là trượt. Thi chuyển cấp thì căng vì cả mấy trường của thị xã với mấy huyện xung quanh mà chỉ thi vào có một trường cấp III. Kỳ thi này không có chuyện loa mo cau đọc đáp số từ trên ngọn cây. Nói như bây giờ là rất nghiêm túc.
     Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông diễn ra vào lúc Mỹ ném bom bắn phá miền bắc ác liệt. Nhiều bạn tôi đã vào chiến trường, không kịp dự cuộc thi này. Kỳ thi vẫn nghiêm dù sơ tán, mỗi phòng thi ở một mé đồi.
     Kỳ thi tốt nghiệp năm 1970 thì tôi đã là giám thị. Từ 71 trở đi thì tôi đã đi chấm thi. Coi thi cơ bản là nghiêm. Còn chấm thi, thì tới lúc ấy tôi mới biết.
     Ngày ấy hội đồng chấm thi có một nửa là giáo viên ngoại tỉnh. Mỗi cặp chấm là một nội, một ngoại. Trước lúc mở đáp án và biểu điểm có cuộc gặp hội đồng chấm thi của lãnh đạo tỉnh. Vị lãnh đạo có nói đại ý: Niềm nam đang thắng lớn, niềm bắc bắn rơi (…) máy bay; các chiến sĩ ngày đêm hy sinh xương máu ngoài mặt trận; bà con nông dân tay cày tay súng…Nghành ta cũng có nhiều cố gắng, nhiều thành tích rất đáng biểu dương…Các cố gắng ấy sẽ được thể hiện qua kết quả thi tốt nghiệp. Các thầy cô cố gắng chấm thi sao cho các chiến sĩ ngoài mặt trận yên lòng, cho bà con nông dân yên tâm sản xuất…Nghành ta cùng thi đua với các nghành khác, lập thành tích cao nhất góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
     Bước vào chấm thử, môn toán chỉ đạt xấp xỉ 30%, các môn khác có khá hơn, nhưng vẫn thấp. Họp bộ môn, điều chỉnh biểu điểm tí chút, châm chước các lỗi nhỏ. Chấm lại, lên được 40%, các môn khác cũng lên, tạm ráp kết quả, 75%. Được rồi, có thể chấm đại trà. Có những kì phải điều chỉnh biểu điểm đến hai lần, chấm thử đi thử lại mới đạt tỉ lệ mong muốn.
     Việc này chỉ có hội đồng chấm thi biết, nên không ảnh hưởng đến tinh thần thái độ của thầy và trò trong việc thi và coi thi. Nói chung việc học và thi của trò, việc dạy và coi thi của thầy cơ bản vẫn nghiêm túc. Lỏng một chút ở chấm thi nhưng không để lộ ra ngoài.
      Về sau do chiến tranh ác liệt, các hội đồng chấm thi chia nhỏ, số thí sinh nhiều lên, không còn đổi chéo giáo viên ngoại tỉnh. Việc chấm thi thì vẫn vậy, thường khống chế tỷ lệ tốt nghiệp trong khoảng 75 đến 80%.
      Thế rồi càng về sau thì việc coi thi càng lỏng dần, nhất là những năm khó khăn sau chiến tranh. Tiếp đến những năm sáp nhập hai bộ giáo dục và đại học chuyên nghiệp. Tiếp nữa là thời ra bộ sách cải cách, số học trò cấp III sụt giảm. Và từ đây bắt đầu một cuộc tụt dốc không phanh cả về học, thi và chấm thi.
      Ngược lại, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng dần lên ở tất cả các cấp. Khi tỷ lệ này lên quá cao ở cấp I thì ra chủ trương bỏ thi hết cấp I,  bỏ luôn việc thi lên cấp II, coi như phổ cập THCS. Lại đến lúc các máy photo chạy nóng ran lên trong các kỳ thi hết cấp II, và tỷ lệ đỗ quá cao, thì tiến tới bỏ luôn kỳ thi hết cấp II. Đến bây giờ thì tỷ lệ tốt nghiệp THPT cũng lại đã quá cao, không chừng tới lúc bỏ luôn thi cấp III, trong khi chất lượng thi vào đại học ngày một thấp.
       Ở cấp học cao hơn thì tôi không rành, nhưng các thông tin trong ngoài luồng đều nói chất lượng ở các trường đại học cũng ngày một giảm, cả trên đại học cũng vậy, thậm chí có cả thạc sĩ, tiến sĩ dởm.
      Tôi thì đã nghỉ hưu lâu rồi, tưởng đã không vương gì chuyện thi cử nữa, thế mà cứ đến mùa thi lại thấy lo lo. Bởi cái tâm không an nên mới viết lên mấy dòng này. Viết xong càng thấy bất an hơn. Hay là mình mắc bệnh gì? Ai biết thuốc, chỉ giùm; Tôi xin thành thực cám ơn.
     17-5-2011
            ******

          Thực tình thì tôi muốn chờ ít nữa giáp ngày thi mới lên trang bài viết này,  nhưng vừa  đọc được tin GSTS cựu bộ trưởng NTN được thưởng huân chương cùng mấy vị khác, vui quá, cầm lòng không đặng, mong bạn đọc thông cảm. VQL.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét