Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Dương Tuấn Hùng - xin tản mạn về anh (4)




4.
       Thường thì tôi không nhớ ngày tháng, cũng không mấy khi chú ý đến năm, chỉ nhớ thứ. Biết hôm nay thứ mấy là biết thời khóa biểu của mình rồi. Chỉ cần có thế để lên lớp đúng giờ. Đồng hồ cũng không cần, vì nhà ở trong trường, nghe trống là biết giờ ra chơi, giờ vào lớp. Nhưng năm 86, đúng năm đó, thì tôi ốm một trận kéo dài đến sáu tháng, nên nhớ.
      Khoảng cuối hè 86, tôi đang điều trị thì thấy anh lên. Tôi chỉ nằm ngoại trú vì còn nhúc nhắc được, với lại tôi mà nằm bẹp thì mẹ làm sao chăm nuôi. Đây là lần đầu anh lên QP. Hồi này đã có xe ca, ngày một chuyến. Bữa ấy tôi vừa đi viện về thì thấy anh bước vào sân, trên tay xách nặng một cái cặp bự. Anh vẫn bước khập khiểng, xiêu vẹo, nên tôi vội ra đỡ cái cặp cho anh. Anh bảo: Ấy ấy, cẩn thận, nặng. 
     Chuyện trò một lúc, có cả mẹ tôi, anh mới nói nhờ mẹ bán hộ chỗ cá, đổi lấy gạo. Cả cái cặp to bự đó là cá, toàn cá nục. Mẹ đã cố giúp anh, còn tôi thì chẳng giúp được gì. Tôi cũng không nói chuyện được nhiều cùng anh vì cái phế quản của tôi có vấn đề. Những tiết ôn tập cuối cùng cho trò thi tốt nghệp năm ấy tôi không còn giảng được nữa, vì nói không thành tiếng, tôi phải viết lên bảng cặn kẽ từng lời giải cho trò chép theo. Giữa lúc anh chị và các cháu đói mà tôi thì bệnh, mẹ lại già, thực không biết tính làm sao nữa.
     Rồi tôi gặp cơn gia biến. Nhà cửa bán đi, bỏ tiền tiết kiệm, đồng bạc mất giá, coi như về mo. Mẹ tôi giạt vào Nha trang, dựng một túp lều ở tạm. Hai con tôi còn nhỏ dại ở với vợ ngoài Hà nội. Tôi ở lại rừng. Tôi cũng không còn hiểu nổi làm sao mà mình tồn tại được qua khúc ấy.
     Bẵng đi vài ba năm thì tôi nhận được tin vui là anh được đi nghiên cứu sinh ở Ba lan. Anh đi, sau đó chị và các cháu cùng sang với anh. Nghe nói sang bên ấy tay nghề nấu kẹo của chị lại được trọng dụng. Chị trở thành chuyên gia trong một nhà máy hay một hãng bánh kẹo nào đấy. Thế là ổn rồi, bù cho những ngày lo toan, đói khổ.
      Một lần tôi gặp bạn, dạy cùng trường với chị, bạn nói:  Hùng Vĩ vừa mới về, không ở Quang Trung nữa, mua nhà đâu trong thành, phía cửa tả. Tôi tìm được nhà anh chị. Thì ra anh về để mổ dạ dày. Anh bảo sang bên ấy lạnh, cái dạ dày lại đau. Mổ bên ấy thì đắt, với lại họ không mổ nhiều như mình nên không quen. Bác sĩ bên mình mổ nhiều, quen tay, đơn giản như mổ gà. Đã thấy anh có da thịt, thế là mừng. Chị thì đã trắng ra như tây,còn các cháu thì cũng lớn lên nhiều.
      Tôi hỏi anh bao giờ thì về nước. Anh bảo bên ấy còn làm ăn được ngày nào thì ở lại ngày đó, rồi sau hẵng tính. Tôi đâu có ngờ đấy là lần cuối tôi được gặp anh.
     Tôi nghỉ hưu, rời QP, vào Nha trang bàn với mẹ, ngoặt vào thăm Sài gòn một lần, rồi quay ra Hà nội. Ở cái tuổi 43, tôi cùng vợ lăn ra kiếm sống, nên không có dịp nào về Vinh, trong suốt mấy năm liền.
     Một hôm có trò cũ của tôi ở QP hỏi tìm được đường đến thăm. Cậu ấy giảng dạy ở khoa văn, biết anh và biết tình cảm của chúng tôi. Lâu ngày, thầy trò hàn huyên không dứt, hồi lâu cậu ấy mới nói: Thầy ơi, thầy Hùng mất rồi!
    Tôi lặng người đi.
     -Thầy Hùng mất đau lắm, thầy ạ, trò tôi nói tiếp. Thầy mất tại nhà riêng…
     - Năm ngoái thầy Hùng đưa sinh viên đi thực tập, em cũng đi trong đoàn đó. Gặp em, thầy Hùng hỏi: em có biết thầy giờ ở đâu không? Em nói: Thầy nghỉ hưu rồi, không biết vào nam hay ra bắc. Để em dò hỏi lại coi. Thầy Hùng còn dặn: em cố tìm cho được, tôi muốn gửi cho Luân chút gì, nguyên văn thầy Hùng nói thế, nó khổ quá.
     Bây giờ em tìm được thầy, trò tôi ngậm ngùi, thì thầy Hùng lại không còn.
     Tôi hỏi thăm: - Thế chị và các cháu thế nào?
      - Chị và hai cháu không ở Vinh nữa. Em cũng không rõ là đi đâu, có người nói về quê, có người bảo ra Hà nội.
      Mẹ tôi nghe trọn chuyện này. Mẹ nói, biết làm sao bây giờ được con.
Tôi chỉ còn biết lên nhà, mở cửa tầng trên, ra ban công, thắp ba nén hương, hướng về phương nam, vái vọng giữa trời: Anh ơi, khôn thiêng phù hộ độ trì cho chị và hai cháu Hiền, Vân được mọi sự an lành. Em đã đỡ rồi. Cầu vong linh anh nhẹ nhàng siêu thoát. Vô lượng từ bi -  A di đà Phật.
                                                                                                  11-5-2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét