Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

Dương Tuấn Hùng - xin tản mạn về anh (3)


  3.
    Chia tay anh tôi rời trường trước.
    Tôi về đến nhà thì thấy mẹ đã yếu lắm. Mẹ tôi nghỉ hưu đã hơn một năm. Nhà cửa không có, mẹ vẫn ở trọ nhà dân như hồi còn sơ tán theo bệnh viện. Vốn mẹ không được khỏe, lại bị hở hẹp van tim. Ngày còn trẻ mẹ không ăn hết một quả trứng gà, thì nay…Thấy mẹ như vậy, tôi nghĩ mình không được học tiếp cũng là cái may. Nếu cứ đi học nữa biết đâu khi về, không còn mẹ.
     Tôi đến ty giáo dục nộp quyết định, Ông trưởng phòng tổ chức phân tôi đi QP. Tôi không biết QP vì cái địa danh này lạ hoắc, nhưng cũng lờ mờ đoán là vùng cao. Tôi trình bày: mẹ tôi nghỉ hưu, yếu lắm, cha tôi không còn, chỉ có mình tôi…Chưa hết câu, ông ta đã ngắt: nghỉ hưu có nhà nước nuôi, anh khỏi lo!  Thế là tôi đi QP. Mấy tuần sau mẹ cũng lên theo. Ngày ấy chiến tranh, lại vùng cao nữa, tận biên giới, không có tàu xe tới nơi, phải đi đến mấy ngày đường.
     Thỉnh thoảng, về xuôi tôi ghé thăm anh. Anh đã là cán bộ giảng dạy, nhưng anh không thay đổi gì. Tình anh em vẫn thế. Một chút khác hơn là cả hai anh em bây giờ đều đã có lương, không đến nỗi như ngày nào. Có lần anh đưa tôi về thăm làng Quỳnh đôi, quê anh. Vào làng, đi một quãng, rẽ phải, theo lối nhỏ, một bên là ruộng, lại rẽ trái là đến nhà anh. Hình như nhà không có người ở. Hai anh em đứng tần ngần một lúc rồi đi. Lần khác hai anh em về Nghi lộc, quãng ngoài ga Quán hành, thăm gia đình anh, nhưng chỉ được một thoáng trong đêm.
     Trường đại học chuyển về Vinh, anh được phân nửa gian nhà tranh tre trong ký túc của các thầy. Ngày anh cưới vợ, tôi ở xa nên không biết. Khi biết để thăm thì thấy anh chị vẫn chỉ có nửa gian nhà ấy, có nới một tí cho hết mái hiên, cả thảy chừng bảy mét vuông. Chị tên là Vĩ, dạy hóa Vinh 3. Hình như anh vẫn chưa hết ám ảnh của cái đói, cái khổ, nên hỏi tôi: Mi coi, chồng dạy đại học, vợ dạy cấp ba, còn lo đói nữa không?
    Tôi nhớ có lần thầy Phạm Cốc dạy tâm lý giáo dục nói đùa đám sinh viên nữ: Cô cấp một thì lấy chồng cấp hai, cô cấp hai thì lấy chồng cấp ba, cô cấp ba, mà lại dạy toán như mấy em thì lấy ai, lấy trời à! Mọi người cùng cười. Chị Vĩ lấy anh, như lời thầy Cốc thì đã là lấy trời rồi, còn đói sao được.
    Tôi kể với mẹ chuyện này, dù chưa gặp anh chị, mẹ cũng bảo: Sao mà đẹp đôi làm vậy. Chồng đã Hùng, vợ lại Vĩ, hùng vĩ thì còn gì bằng.
     Sau chiến tranh thì anh chị được chuyển lên khu nhà Quang Trung, tầng hai, có gian rưỡi phòng ở. Thế là oách lắm rồi. Hy vọng từ nay hết khổ. Anh chị sinh hai cháu Hiền, Vân, gần nhau trứng gà trứng vịt.
     Chưa kịp vui vì có gia đình, vợ con, chưa kịp mừng đất nước thống nhât, mừng nhà mới thì đã lại thấy cái đói trở về. Mỗi lần ghé thăm lại thấy anh chị phải gồng mình, tất tả làm thêm một cái gì đấy. Cái việc đậu lại lâu hơn cả là nấu kẹo gia công cho người khác. Ngày ấy chưa thẳng thừng dùng chữ làm thuê như bây giờ, mà mỹ miều hơn, gọi là gia công. Có lần ngủ lại, nửa đêm thức giấc tôi vẫn thấy anh chị xát vừng, nhào bột. Thương buốt ruột. Sáng sớm, mới bốn giờ, anh lay tôi dậy: Đi với anh, nhẹ thôi cho chị mày ngủ một tí. Tôi cùng anh đạp xe đèo nhau ra ga, đón mua bột sắn từ miền nam chở ra. Tôi đoán, mua thế này có thể rẻ hơn một chút. Đành lấy công làm lãi, tí ti cũng quý lắm rồi.
    Thế mà anh lại làm thơ. Quả thật có bất ngờ. Biết anh rành thơ văn, đọc nhiều, nhớ nhiều, bây giờ biết thêm, anh xúc cảm cũng nhiều. Hình như càng khổ đau con người ta càng nhiều xúc cảm. Anh đọc mấy bài. Rồi anh nhấn một bài được đăng. Thơ viết về một ngày bình thường, ngày bình thường của người công an, là ngày mọi chuyện đều êm xuôi, an lành, không tội ác, không trọng án. Đời chỉ cần là chuỗi ngày bình thường, đã là hạnh phúc lắm rồi. Anh nói: chỉ cần mấy bài như vậy là một tập thơ đứng được. Đứng được là từ tôi nghe lần đầu, nghe có vẻ chuyên môn của phái văn chương viết lách, không dè anh lại cũng rành.
     Với tôi, anh không ngừng dành cho những phút ngạc nhiên như thế.
                                                                                           
                                                                                        Còn nữa.
    
 
    
   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét