Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011

Dương Tuấn Hùng - xin tản mạn về anh (1)


1.
     Đêm qua khó ngủ, không hiểu sao tôi nhớ anh, nhớ bổi hổi, trằn trọc mãi, tự nhủ lòng phải ghi lại những điều mình biết về anh, vì tôi muốn nhớ lại, cũng vì, tôi tin là thế, chị và các cháu, cũng như bạn bè đều rất nhớ anh.
     Tôi học cùng một lớp với anh ở sư phạm nhưng anh hơn tôi khoảng ba bốn tuổi. Trong thâm tâm thì tôi nghĩ mình kém anh còn nhiều hơn thế. Khi tôi nhập lớp thì anh và các bạn đã học gần hết học kỳ một năm thứ nhất rồi. Mãi đến giưa tháng 12 thì tôi mới nhận được giấy báo, cắt được hộ khẩu và đi bộ ra tới trường thì đã cuối thâng chạp. Là sinh viên cuối cùng tựu trường, tôi ngô nghê nhập cuộc, và xem anh cũng như các bạn khác là anh chị của mình. Tôi cũng đã quen như thế, bởi hồi học phổ thông tôi đã thường gọi tất cả bạn gái trong lớp là chị.
      Không phải anh hơn tôi ở tuổi tác, mà cái chính là hơn ở sự chín chắn và thêm nữa, hơn ở cái vốn văn học. Ban đầu thì tôi chú ý cái dáng cao gầy xương xẩu của anh. Cả cái đầu tóc xoăn, vầng trán rộng, cái cười sáng bừng gương mặt và dáng đi đánh võng xiêu vẹo của anh. Chân anh có vết thương, lâu ngày thành tật. Nhờ cái đó mà anh có thể dự báo thời tiết chính xác lạ kỳ. Có hôm ăn trưa xong, anh bảo, bọn mày cứ ngủ đi, hồi nữa dậy, có mưa. Y như rằng mưa lênh láng. Từ đó biết anh có tài, thỉnh thoảng lại hỏi; Sao anh, hôm nay mưa không? Anh cười, có khi trả lời, khi không.
    Có đêm hết dầu không học được, nằm khàn gác chân lên nhau, anh hỏi: Bọn bây có thích nghe Hoài Thanh bàn về truyện Kiều không? Thằng nào cũng nói có, nhưng lấy đâu ra sách. Anh bảo cần chi sách, ưng thì tau đọc cho nghe. Rồi anh đọc thuộc lòng, thong thả, diễn cảm cả một bài dài. Cả bọn tôi nghe xong phục lăn Dương Tuấn Hùng!
     Đây là lần đầu tôi nghe Hoài Thanh trọn một bài như vậy. Còn thì tôi chưa đọc Hoài Thanh một trang nào cả, đơn giản là tôi chưa hề thấy những quyển sách như vậy. Tôi chỉ học văn trong văn tuyển, có đọc thêm được cuốn “’Đất nước đứng lên”, đọc và thuộc hầu hết “Nhật ký trong tù”, thuộc thêm mấy bài thơ Tố Hữu. Có vậy.  À mà có đọc “Tam quốc”, từ hồi học lớp 5, nhờ ở với cậu. Có đọc ké của mấy anh, phải thức trắng một đêm, cuốn “Ông già và biển cả”. Có đọc Tây du, Thủy hử, đọc cả Đống rác cũ, Bỉ vỏ, cũng là đọc ké. Nhưng chưa đọc Hoài Thanh, xuân Diệu gì cả.
     Lại một lần sinh hoạt chi đoàn theo định kỳ, người nào cũng phải góp chút gì văn nghệ, anh đã đọc bài “Màu tím hoa sim”. Lại một lần nữa tôi ngạc nhiên vì bài thơ hay quá, vì lần đầu được nghe và vì không ai khác mà chính anh đã đọc. Tôi thuộc ngay bài thơ đó, nhẩm trong bụng, cuối buổi về ghi vào vở, và nhớ cho đến bây giờ.
    Thì ra trong anh có một vốn văn chương, tôi phải nói là vậy, mà tôi chưa gặp ở đâu, chưa nghe ở đâu. Giờ nghĩ lại, thời ấy ít có điều kiện tiếp xúc với sách vở, có muốn đọc cũng chẳng biết tìm đâu. Nghe thầy cô giảng cái gì thì biết cái đó, thầy cô cũng không gợi cái này cái nọ, thành ra cứ ngỡ như nhân loại chỉ có chừng ấy thứ học trong sách. Không riêng gì văn mà môn học nào cũng vậy.
    Sau này tôi mới biết cụ thân sinh anh dạy học, cụ có cả kho sách và anh được tiếp xúc với sách từ bé. Nhưng mà cũng phải thông minh lắm, chịu học lắm mới ngấm được sách như anh!
                                                                                                                                         Còn nữa.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét