Sắp tới chân bù Chông cha, rẽ phải, lội qua khúc cạn dòng nậm Giai, bên đường vào bản Hữu văn ta bắt gặp những cối giã gạo bằng nước. Cấu tạo như là cối đạp để giã gạo dưới xuôi, nhưng lại dùng sức nặng của nước để nâng đầu chày, thay vì đạp bằng chân. Nước từ suối đầu nguồn được dẫn về bằng ống mét thông mắt, cho chảy vào máng ở đuôi cần. Máng nước đầy dần đủ nặng sẽ tự nhấc đầu chày lên, đồng thời nước tràn ra khỏi máng, đầu cần lại nặng hơn, tự nó rơi xuống cho mỏ chày nện vào lòng cối đã có thóc. Lặp lại từ đầu, thêm một chày nện xuống... Cứ thế, cối giã tự động, không tính phút giây, mẻ gạo trắng dần. Bà con dựng cái lán nhỏ che cho cối gạo những lúc gió mưa. Sáng ra đổ thóc vào, chiều lấy gạo về sàng sảy, lại tiếp đổ thóc vào cho cối tự giã qua đêm. Cối tự giã quanh năm, chị em yên tâm ruộng rẫy, và cũng đỡ phần nặng nhọc.
Tôi đứng tần ngần mãi bên cối nước, lòng thầm cảm ơn trí sáng tạo của bà con vùng cao. Hơn nữa còn cảm phục tập quán và tấm lòng chân thật tin cậy lẫn nhau của cả bản làng.
Ngày mùa bà con gặt lúa bó thành từng nắm nhỏ phơi ngay trên cụm rạ. Lúa ngoài đồng, lúa trên rẫy đều phơi như vậy cả, chờ khô thuận tiên mới mang về. Lúc cần hạt gạo thì mang thóc ra cối nước đầu bản mà giã tự động, không cần trông coi canh giữ.
Ôi, sao có một vùng quê, thanh bình yên ả và thân thương nhân hậu đến thế. Tôi đã sống nhiều năm với miền quê ấy, mãi không hết ngạc nhiên và yêu mến. Xin cảm ơn người.
1985
Hình ảnh minh họa chụp lại từ trên mạng:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét