Piêng tiếng Thái có nghĩa là bằng phẳng, nhưng cũng có nghĩa là truông, là đường đi men núi mà qua núi. Khác với bù (pu)- là núi, nhưng cũng có nghĩa là dốc, là đường vượt núi mà qua núi.
Piêng Panh (Truông Bành) đi qua rừng, đi hết rừng tới bản. Đường đi khuất khúc bởi cây cối che chắn, bởi khe suối chia cắt, và bởi những khúc quanh, rẽ ngoặt đột ngột.
Đi trong Piêng Panh luôn gặp sự bất ngờ: Một chú mang ngơ ngác đứng ngay bên đường cách tôi vài bước. Cả tôi và nó ngây ra nhìn nhau. Dáng nó thanh nhẹ, đôi mắt lồi, cái mõm xinh xinh chỉ hợp với việc ăn lá non và những cẳng chân thon thon chỉ chực bỏ chạy. Ôi, trông nó thật hiền... Có đôi gà lôi trắng tha thẩn kiếm ăn dọc lối mòn. Con trống phải lớn gấp ba lần con mái. Lông nó trắng muốt nhưng có điểm những chấm màu đỏ nhạt và màu tía. Chúng chạy dọc theo lối mòn khi trông thấy tôi, rồi vụt bay lên mất hút trong thẳm xanh cây lá.
Suốt chặng dài 10 km qua piêng Panh là đi trong rừng rậm, bạt ngàn lùng nứa, săng lẻ, vô vàn cây gỗ khác nhau và bụi rậm. Cây bụi lấn ra hết lối đi. Có quãng thấy hơi ngột, nhất là mùa mưa, cây cối mọc nhanh giành giật nhau không gian sống.
1985
*****
Mấy năm sau di dân Nghi lộc lên khai hoang. Rồi tan hoang rừng. Không dè con người lại là kẻ giành giật không gian sống với muôn loài. Giờ nghe nói Piêng Panh thành xã mới. Cái tên ngày xưa không còn, rừng Piêng Panh cũng không còn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét