Ngày trước ở quê tôi những người đi lấy mây giang. bẹ móc, lá nón, những người sơn tràng khai thác gỗ nứa, mỗi khi vào rừng đều mang theo lễ vật. Vào đến cửa rừng thì thịt con gà trống mới tập gáy mà làm cỗ tế thần núi ma rừng, mà van vái Ngài chúa sơn lâm phù hộ, mà rồi xin ống giang bẹ móc. Khất đồng tiền âm dương có nghiệm thì đi tiếp, yên tâm mà tìm kiếm, thu hái và khai thác. Bằng không thì quay về, dịp kác hẵng hay.
Thời ấy, bao anh ngỗ ngược không theo phép tắc gì, cậy sức đốn chặt đại đi, đều bị ma vật cho ốm liệt giường liệt chiếu, đến rụng hết cả tóc, nặng nữa thì gục luôn. Nhiều anh gửi xác lại, hồn bơ vơ bất định trong đại ngàn trùng điệp, không sao ra thoát cửa rừng.
Thời ấy chưa nghe nói gì tới kiểm lâm. Thường chỉ nghe nói rừng là chốn ma thiêng nước độc, khỉ ho cò gáy, chim kêu vượn hót, thâm u mù mịt, vô cùng giàu có của nả trời đất mà chớ tham nghĩ của riêng mình. Thành ra không có ai đứng ra canh giữ mà rừng nguyên sinh xanh tươi tồn trong hệ sinh thái cân bằng.
Mươi, mười lăm năm lại nay người ta không sợ thần núi ma rừng nữa. Người ta bớt duy tâm đi, người ta duy vật hơn, biết quý cái của mà ít sợ cái phép. Con người ta trở nên mạnh mẽ đến mức dám thay trời đổi đất, chinh phục thiên nhiên, chinh phục vũ trụ, thì ma rừng thần núi nào có ra gì. Người ta chặt phát đốt. Người ta ca ngợi " cây đổ rền vang như tiếng pháo...".
Đến lúc chừng như thấy có nguy cơ phá rừng thì bắt đầu nghe nhắc đến Kiểm lâm, gọi cho đầy đủ là kiểm lâm nhân dân. Có kiểm lâm nhân dân thì nhân dân cũng có sợ kiểm lâm tí chút. Nhưng rồi...
Giờ thì chúng ta đã cơ bản phá xong rừng. Lâm chẳng còn bao lăm mà kiểm. Cái duy vật thực dụng đã đến lúc chẳng còn vật gì ra hồn mà thờ nữa. Lại thấy cái tâm nhói lên nỗi đau. Có cái đau tỉnh ra. Chợt nghĩ: Giá như con người đừng quá tự tin, đừng quá ngạo mạn, đừng quá tham lam mà biết khiêm nhường giữ gìn phép tắc thì đâu nên nỗi sự cân bằng sinh thái bị phá vỡ nghiêm trọng như vầy.
1985
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét