Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2021

RCYT: 94. NHỮNG LỐI ĐƯỜNG MÒN

        Lộ trình của chúng tôi lần này là một cuốc qua 3 xã vùng cao. Dự kiến đi hết bốn ngày. Ngày đi đêm nghỉ. Chỉ có khoảng 6km là đường lớn, còn nữa là lối mòn.

       Tôi luôn bị ám ảnh bởi ý nghĩ: - con đường mình đang đi sắp bị cụt lối mất rồi. Nhìn ra phía trước thì rừng già bịt bùng, cách chừng mươi mét đã hết thấy lối mòn. Ngước mắt nhìn lên thì thấy bốn phía núi cao xây thành sừng sững. Vậy mà cứ đi là rừng lại mở ra, vẫn còn mãi một lối mòn. Đến một quãng trống, nhìn lên thấy dãy núi trước mặt ban nãy giờ đang ở phía bên phải mình; Rồi nữa, hồi lâu ở phía sau mình.

      Bất chợt sau khúc ngoặt, hay sau một lùm cây, bỗng rộng rãi  một khoảng không, với bầu trời thoáng đãng, có mấy thửa ruộng bậc thang, một đám lầy; Rồi dăm bảy, vài mươi nóc nhà, là một làng, một bản.

      Nhiều bản làng lấy tên của ruộng. Bản Na Phí (ruộng lửa), bản Na Nga (ruộng ngà), Na Chàng (ruộng voi), Na Cày (ruộng gà)... Có lẽ là do ngày xưa người đi tìm đất có thể khai khẩn làm lúa nước, rồi dần dà định cư mà nên làng nên bản. Dựa vào đặc điểm vùng đất mà bà con đặt tên cho ruộng, rồi theo tên ruộng mà thành tên bản tên làng. Đất nước nông nghiệp, gắn bó đời đời với ruộng, yêu quý ruộng như yêu chính quê mình. Người ta đặt tên cho ruộng, ít thấy ai đặt tên cho rẫy cho nương.

      Lộ trình của chúng tôi có khi sau vài giờ lại gặp một bản, có khi nửa ngày mới thấy mấy nóc nhà. Những người đi trước có lẽ cũng đã đi như thế mà len lách tìm đến nơi có thể làm lúa nước, rồi dần thành một nơi ở mới. Cũng nhờ thế mà các lối mòn hình thành rồi kéo dài ra mãi, nối liền các làng bản, cho con người đi đến với nhau, qua mọi địa hình, thậm chí qua mọi biên giới quốc gia. 

     Như là nước tự tìm ra dòng chảy, loài người tìm ra những con đường.

1985

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét