Tôi ngược lên. Mùa này mưa nhiều, dốc Bù Bài 2 km trơn trượt; Xe ca không lên được, nên phải cuốc bộ từ Tân lạc. Nhưng lên đến Piêng Panh thì trời lại nắng. Cái nắng oi mùa hạ.
Sắp qua hết piêng Panh thì bắt gặp ngắt xanh rừng quế lâm trường. Dễ nhận ra hương quế nồng trong nắng đọng. Tôi thiết tha thương mến những công nhân trồng quế lâm trường. Giờ này họ đang ở trong rừng, làm thông tầm. Có người ươm cây, có người phát tuyến, người đào hố, người gánh cây con ươm trong ống nứa cần mẫn trồng từng cây một. Hố nối hố, cách nhau chừng ba mét, cây nối cây thành hàng thành dãy, mà năm tháng đủ thành một khoảnh rừng, rồi nhiều khoảnh rừng xanh ngắt. Tận sâu hút trong bản Khối, sâu nữa đến tận chỗ hợp lưu của dòng Nậm Giai với dòng nậm Quang, quế cũng đã thành rừng .
Phía tây nam pu Hiêu đã trồng quế từ lâu, nay trồng tiếp lên cao hơn. Một lần tôi khoác súng vào rừng, ngồi im dưới gốc đa, nghe trên cao Pu Hiêu điệu hò xứ Thanh của chị em công nhân lâm trường. Điệu hò gợi nhớ lại đội quân thuyền nan theo kênh nhà Lê suốt dải miền trung những năm chống chiến tranh phá hoại. Có thể trong số công nhân đó có người đã từng là thanh niên xung phong thuở ấy. Một cô là "anh", một cô là em. Họ hò đối đáp nhau thật mùi, thật thương về tình yêu trai gái. Đang giữa nhịp điệu hò, bỗng có tiếng cô nào văng một câu rất tục. Điệu hò ngừng bặt. Có cái gì đó trong tôi nghèn nghẹn dâng lên...
1985
*****
Rồi đến một ngày cơ chế thay đổi, công nhân không tự nuôi nổi mình. Dân tràn vào rừng ngang nhiên bóc vỏ quế, ngang nhiên chặt hạ cây mỡ, bắt tắc kè, nhím, trút... tất tật bán sang Trung quốc. Không hiểu là thế nào nữa. Lâm trường giải thể. Điệu hò xứ Thanh không biết về đâu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét