Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

KẺ THÙ MONG GÌ Ở CHÚNG TA ( Phần cuối)

III.  Kẻ thù mong cho chúng ta sa đọa.
Từ chỗ vô sản, đến chỗ có chính quyền, có sức mạnh chuyên chính, có của cải, có danh vọng, địa vị…chúng ta đã thay đổi đi nhiều lắm. Trong nhiều chiều của sự thay đổi đó có một chiều dẫn đến sa đọa biến chất. Đó chính là cái chiều mà kẻ thù của chúng ta mong đợi.
Hách dịch, cửa quyền, tham nhũng đục khoét là những điều thường thấy. Xa hoa trác táng trụy lạc cũng không phải là hiếm. Nịnh trên nạt dưới, cơ hội xu thời đều có cả.
Cái nguy ở đây là tất cả những thứ đó đều được núp dưới bóng của cái cao cả, cái tốt đẹp, được nuôi bằng những ước mơ lý tưởng cao xa, được chiếu rọi bởi ánh sáng này kia hoặc hào quang của những chiến công oanh liệt.
Hội nhập vào kinh tế thị trường chúng ta bập ngay vào cái thực dụng tầm thường của nó. Hàng loạt các giá trị bị xáo trộn. Đồng tiền chi phối khắp nơi. Bất cứ nơi đâu cũng thấy chém chặt, từ trong công sở cho tới trường học, bệnh viện, ra đến ngoài đường  ngoài chợ, miễn là nắm chút đằng chuôi. Những người thật thà nhất bây giờ cũng có thể làm hàng giả, có thể làm hàng độc hại cho khách tiêu dùng.
Chúng ta mạnh lên hay yếu đi từ đó thì ai cũng biết, nhưng không có gì khắc phục cả mà gần như được thả lỏng để cho ngày càng trầm trọng thêm lên. Có khi còi thổi rất to, nhưng vừa đá bóng vưa thổi còi thì phỏng ích gì. Các đạo luật ngày càng được xây dựng chặt chẽ hơn nhưng chỉ chặt với đại đa số người dân không có năng lực tận dụng kẽ hở.
Rừng vàng biển bạc tưởng như vô tận mà chỉ sau vài chục năm đổi mới đã trở nên cạn kiệt. Thành tựu công nghiệp hóa chưa thấy đâu thì đa số các  dòng sông và ao hồ đã chết. Văn minh còn xa mà môi trường tự nhiên và cả môi trường xã hội thì đã xuống cấp rồi…
Vậy là lại thêm một điều khiến kẻ thù hỷ hả.


IV. Kẻ thù mong chúng ta mê muội.
Bay bổng trong men say chiến thắng là một thứ mê. Đắm chìm trong khoái lạc là một cách mê khác. Dựa dẫm vào thiên nhiên, tin ở rừng vàng biển bạc như của trời cho vô tận, cũng là mê.
Sùng bái cá nhân, núp bóng lãnh tụ có thể là một cách mê khác nữa. Viện dẫn kinh điển, lười biếng tư duy, xa rời thực tế, cũng lại là mê lú. Tiêu tốn bao nhiêu giấy bút để minh họa, để tán dương ca tụng. Biết bao nhiêu nhân lực ưu tú dồn cả vào tầm chương tích cú, trong khi bỏ qua bao thành tựu từng ngày của toàn nhân loại tiến bộ, trên mọi lãnh vực từ khoa học kỹ thuật đến kinh tế xã hội, từ công nghệ tới nhân văn. Đáng buồn hơn là có lúc đã bê nguyên cái lú lẫn của người về áp dụng cho mình, và không chỉ một lần.
Duy vật thô sơ, đề cao vật chất, nô lệ đồng tiền cũng là một chứng mê muội. Chứng này lan tỏa khắp nơi, khắp mọi tầng lớp từ bình dân lên hàng chức sắc, và lên cao nữa. Chứng này còn thể hiện ở sự hàng hóa hóa tất cả mọi thứ trên đời, thể hiện bằng triết lý: “Cái gì không mua được bằng tiền, đều có thể mua được bằng rất nhiều tiền”. Và nữa, tăng trưởng bằng mọi giá cũng là mê.
Duy tâm siêu hình, khoan bàn nó là cái gì, nhưng con người ta đang ngày một mê hơn ở chốn thần thánh, ma quỷ, trạch cát, bùa chú. Người ta cũng mê lạc đi trong lễ hội, vừa mê mẩn vừa trí trá kiếm tiền, vừa lú lẫn cầu xin rạp mình lễ bái. Chốn này mê lú đến nỗi không lớp người nào trong toàn xứ mình vượt qua được kể cả nhà khoa học hay chính trị gia.. Ngược lại là xem nhẹ, thậm chí bỏ qua việc nghiên cứu bài bản các sự kiện tâm linh, các tiềm năng của con người. Và đó cũng lại là một thứ mê lầm nữa.
Mê lầm đáng nói cuối cùng, không biết đã cuối cùng chưa, là: Ảo tưởng. Ảo tưởng và mọi thứ tương tự cùng lúc nẩy sinh từ ham muốn, từ ý chí chủ quan, thậm chí có cả mơ màng ngủ. Điều này nói kỹ thì đau, đau lắm. Xin tạm dừng chừng ấy.

V. Kẻ thù mong chúng ta phân biệt chia rẽ.
Có sự phân chia “vô tư” không hàm ý phân biệt tốt xấu, sang hèn, như việc chia đồ đựng trong bếp thành ra đọi, bát, ấm chén ly cốc…Sự ấy kẻ thù không lợi dụng được gì. Cái mà kẻ thù muốn là sự phân biệt nhằm chia rẽ, thậm chí thành mâu thuẩn, thành đối kháng, tàn hại lẫn nhau, nồi da nấu thịt  trong nội bộ chúng ta.
Cùng là người dân lao động, người thì trên đồng ruộng, kẻ thì trên công trường nhà máy, sao mà phân biệt thành phần. Nông dân hay công nhân thì chỉ là nghề nghiệp, là hình thái lao động, có thể khác nhau ít nhiều nhưng cùng là cần lao cả, sao bên trọng nhiều bên trọng ít, bên tiên tiến bên lạc hậu, bên là lãnh đạo bên là bị lãnh đạo, thậm chí còn cần cải tạo.
Trí thức cũng là người lao động, sao lại xếp cùng địa hào để mà đòi “đào tận gốc trốc tận rễ”. Có nhiều ý tương tự ở mục này tôi đã viết ở bài: “Mâu thuẩn đối kháng”, Ở đây xin không nhắc lại.
Việc cố tình khoét sâu mâu thuẩn là điều trái với tư tưởng đại đoàn kết dân tộc. Tiến bộ xã hội nhắm tới bình đẳng bác ái. Tu dưỡng đạo đức nhắm tới cái tâm không phân biệt. Vậy khoét sâu mâu thuẩn thì nhằm tới cái gì.
Nhiều khi cái sự phân chia tách biệt trở thành cứng nhắc, không còn biện chứng, chỉ còn cái chủ quan áp đặt, nhằm có lợi cho thiểu số những  kẻ quyền thế, mà bất lợi cho quần chúng đông đảo. Có người đã là chính khách cấp cao, gần như suốt đời không đụng tay cày cuốc vẫn cố bám cái xuất xứ bần cố nông. Có người một đời phấn đấu không ngừng, cống hiến lớn lao, vẫn phải mang cái tròng cha ông địa chủ. Người ôm gốc này để mong thăng tiến, kẻ mang tiếng kia chịu lép mấy đời, vậy sao xã hội công bằng văn minh lên được.
Chúng ta còn phân biệt dân tộc, tôn giáo, có đạo và không có đạo. Chúng ta không đa đảng để phân biệt đảng phái, nhưng lại phân biệt trong đảng và ngoài đảng. Bất lợi lại thuộc về số đông ngoài đảng. Chính quyền và quốc hội là của dân do dân vì dân, nhưng bất lợi lại một lần nữa thuộc về dân.
Ba mươi sáu năm sau ngày thống nhất nước nhà mà nỗi đau vẫn còn chia hai nửa, nửa đau ngợi ca, nửa đau lặng lẽ. Những con người đau khổ lìa xa tổ quốc, vọng về vào lúc dậy sóng biển đông mà màu cờ lại khác. Đau thay.
Chỉ xin nói thêm một ý nữa thôi, về chính thể của mình: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam. Một chính thể nổi trội hơn người, để vẻ vang hơn người hay để lạc lõng xa lạ với người, để thêm bạn hay thêm thù, để đoàn kết hội nhập hay để tự cô lập mình, để mạnh thêm hay yếu đi?.
Chừng ấy vấn đề tôi xin bày tỏ, trong khi kẻ thù đang lăm le ngoài biển, để thử nhìn lại xem chúng mong gì ở mình, chúng đã thấy gì ở mình và tại tại sao chúng giở trò vào đúng lúc này.
 


Rời khỏi tâm trạng khi viết bài này tôi lại được hòa vào không khí hào hùng nóng bỏng của những cuộc xuống đường phản đối Trung quốc gây hấn biển đông. Với khí thế này, Hà nội, Sài gòn, và tất cả các thành phố khác, cùng cả nước xuống đường thì chúng ta sẽ phá bỏ được mọi điều mà kẻ thù mong đợi. Hãy đoàn kết lại, vượt qua sợ hãi và những toan tính tầm thường, vì một Việt nam hùng mạnh “vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Thảo dân nông cạn, chỉ biết nôm na, không tránh khỏi sai sót khi lạm bàn việc lớn, chỉ hiềm không lặng được, xin mọi người ghé qua lượng thứ.
19-6-2911

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét