Trong khoa học có nhiều phương pháp, nhiều con đường khác nhau để tiếp cận chân lý. Có hai phương pháp phổ biến nhất. Một là từ thực nghiệm hoặc từ thực tế khách quan mà phân tích, tổng hợp rồi tìm ra quy luật, tìm ra chân lý. Hai là thừa nhận các khái niệm cơ bản (không định nghĩa) và các tiên đề cơ bản (không chứng minh), rồi dùng suy luận logic mà tìm ra các chân lý mới.
Rất hay là những phương pháp này không bài xích, không loại trừ lẫn nhau mà thường bổ sung cho nhau trong quá trình tìm hiểu sự vật và tiếp cận chân lý. Và ngay trong cùng một phương pháp, những phép thử trái nhau hoặc các giả thuyết ngược nhau cũng không hề loại trừ nhau mà song song tồn tại, thậm chí đều đúng, đều là chân lý. (Như hình học Ơclit và hình học phi Ơclit; Như cơ học Niu tơn và thuyết tương đối Anh xtanh). Đương nhiên mỗi định đề có một miền nghiệm đúng riêng nó, và mỗi lý thuyết cũng có những mô hình nghiệm đúng của riêng mình.
Có một phương pháp thứ ba ít phổ biến, ít được vận dụng hơn nhưng không phải vì thế mà kém tin cậy về mặt khoa học hoặc khó ứng dụng về mặt thực tiễn. Đó là phương pháp bất biến.
Chúng ta biết rằng các sự vật luôn vận động, luôn biến đổi. Và thường chúng ta chỉ nhìn nhận sự vật theo một chiều như vậy. Thực ra mọi sự vận động đều chứa đựng hai trạng thái hỗn độn và trật tự. Trật tự cho phép duy trì một hình thái hay một tính chất của chính sự vật đó và nhờ thế nó mới chính là nó. Còn hỗn độn là động lực của vận động, hơn thế, còn là “sinh khí” của tồn tại. Và như vậy, mọi sự vật, kể cả cuộc sống của chúng ta, luôn chứa đựng các yếu tố biến và bất biến.
Động thì dễ gây chú ý hơn tĩnh. Biến dễ thấy hơn bất biến. Bởi vậy chúng ta thường quan tâm tới cái biến mà bỏ qua cái bất biến. Dẫu vậy, bất biến vẫn tồn tại và phương pháp bất biến vẫn được áp dụng đó đây.
Dễ nhận thấy nhất là trong toán học. Hình học đã áp dung phương pháp này và thu được những kết quả bất ngờ. Những gì chịu sự biến đổi rồi mà vẫn bất biến, ấy là cái còn lại, là chân lý cuối cùng. Và lạ lùng thay, bất biến của phép dời chính là hình học Ơclit mà mỗi chúng ta đều biết.
Còn trong thực tiễn cách mạng nước ta, bác Hồ cũng đã từng căn dặn “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Và chính Người cùng các học trò lỗi lạc của mình đã áp dụng phương pháp này một cách tài tình để đạt được những thành tựu rực rỡ, những thắng lợi vẻ vang.
Chúng ta có ba cách khác nhau để vận dụng phương pháp bất biến. Một là: chỉ ra phép biến đổi và đối tượng biến đổi rồi mới tìm ra các bất biến của nó như từng làm với hình học. Những bất biến này có thể là khái niệm, cũng có thể là tính chất. Tập hợp tất cả các khái niệm và tính chất bất biến đó lại ta có nội dung của học thuyết tương ứng.
Hai là: trong muôn vàn hình thái biến đổi của sự vật, hãy lựa chọn những biến đổi theo hướng định trước và tìm cách tác động sao cho các các bất biến được bảo toàn. Chẳng hạn, trong nông nghiệp việc tạo giống mới cho năng suất cao nhưng vẫn giữ được phẩm chất của nông sản là một thí dụ về việc vận dụng phương thức ấy.
Ba là: tìm kiếm một cơ chế thích ứng khả dĩ có thể hóa giải được mọi biến đổi có thể xảy ra đối với một sự vật trong ngưỡng nào đó mà vẫn giữ được các bất biến của nó. Ví như một chiếc xe, cần có hệ thống điều khiển và hệ thống giảm chấn linh hoạt và hiệu quả để có thể vận hành an toàn trên mọi địa hình, trong mọi hoàn cảnh giao thông mà vẫn bảo toàn cấu trúc của nó.
Tóm lại, phương thức một là chọn phép biến rồi mới tìm bất biến của nó; phương thức hai là chọn mục đích biến rồi mới tìm cách biến phù hợp; phương thức ba là chọn bất biến rồi mới tìm cơ chế để ứng vạn biến.
Có nhiều lựa chọn phương thức như vậy là một thuận lợi để triển khai tìm hiểu về bất biến. Trong khi biến và bất biến hiện diện khắp mọi nơi, mọi lúc, trong mọi sự vật, trong mọi lĩnh vực, kể cả trong đời sống xã hội, vậy thì chẳng có lý gì chúng ta lại hờ hững bỏ qua. Bất biến nhiều khi còn có thể là tinh hoa, là cốt cách, là khí phách bất tử, là vàng ròng đã qua thử lửa, bởi vậy càng phải để tâm tìm hiểu.
Phương pháp bất biến còn là một công cụ, một cách ứng xử hợp lý. Nhớ lại lời của Bác: “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong lúc hiểm nghèo càng thấy bất biến giá trị nhường nào.
Làm cách mạng là thực hiện một cuộc đại biến đổi. Nhưng đại biến đổi không phải là đại hỗn độn, cũng không phải là đại phủ định. Ngược lại, cách mạng là thực thi biến đổi theo quy luật, vào đúng thời điểm sự biến đổi về lượng dẫn tới biến đổi về chất. Nhưng không phải mọi điều đều biến đổi hết, mà là trong cái hừng hực khí thế ấy, trong sự biến đổi vĩ đại ấy vẫn còn lại những bất biến. Đó là truyền thống, là tinh hoa của văn hiến bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước; đó là khối đại đoàn kết toàn dân tộc không gì phá vỡ nổi, là tính độc lập tự chủ thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, là chân lý bất biến tối hậu: “nước Việt nam là một, dân tộc Việt nam là một”…Chúng ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, đã đánh thắng hai đế quốc to, cốt lõi là nhờ đã giữ vững và vận dụng những bất biến đó.
Sau đại thắng mùa xuân 1975 chúng ta tiến hành cuộc cách mạng XHCN trên cả nước. Thực chất là thực thi một cuộc đại biến đổi có định hướng và hợp quy luật. Đó là ý chí và nguyện vọng của chúng ta. Nhưng không phải lúc nào và ở đâu chúng ta cũng tìm ra quy luật và không phải lúc nào chúng ta cũng định hướng đúng. Những năm tháng “chủ quan nóng vội duy ý chí” đã chỉ rõ điều đó.
Rất may là chúng ta đã kịp thời đổi mới và cuộc đổi mới này mới thật là cuộc đại biến đổi so với những tháng năm cách mạng XHCN một cách trì trệ trước đây (1975-1985). Nông nghiệp, nhờ áp dụng khoán hộ mà ổn định lương thực, tiến tới xuất khẩu. Thương mại, dịch vụ nhờ cơ chế thị trường (mặc dù mới manh nha) mà có bước phát triển. Bưu chính viễn thông nhờ đổi mới công nghệ và đào tạo nhân lực mà có bước đột phá. Trong khi đó y tế, giáo dục hầu như không tìm ra phếp biến đổi gì hữu hiệu. Còn hệ thống hành chính thì chậm đổi mới nhất và có thể còn nhiều tiêu cực nhất vì hầu như chưa có biện pháp gì thực sự khả thi.
Cái được và cái chưa được như đã dẫn ở trên cho thấy dù đã có những thành công bước đầu nhưng chúng ta vẫn còn bị động lúng túng trong việc tìm ra những phương cách biến đổi có tính chiến lược để thúc đẩy mọi mặt đời sống, kinh tế- xã hội phát triển bền vững. Có vẻ như chúng ta còn thiếu một hệ thống lý luận, một học thuyết cách mạng để đưa cả nước tiên lên CNXH. Chúng ta có thể xây dựng hệ thống đó bằng phương pháp tiên đề được không, ví như hệ thống giáo lý rộng mở mênh mông mà chặt chẽ tuyệt vời của đạo Phật chẳng hạn. Đây là việc hệ trọng và rất khó, không thể có ngay một sớm một chiều. Trong khi chờ đợi một học thuyết như vậy, chúng ta có thể vận dụng phương pháp bất biến để tìm một đường lối thích hợp cho công cuộc đổi mới hiện nay.
Chúng tôi xin đề xuất một đề cương giản lược:
1.- Tập hợp các đối tượng chịu tác động của biến đổi là tất cả vùng đất, vùng trời, vùng biển, hải đảo và thềm lục địa nước nhà; là toàn thể đồng bào ta với 54 dân tộc anh em; là hệ thống chính trị và nền kinh tế; là toàn bộ cơ sở hạ tầng và nền văn hóa của chúng ta; là các mối quan hệ với các quốc gia và các dân tộc khác trên toàn thế giới.
2.- Tập hợp các bất biến tuyệt đối, đó là chủ thể: đất nước ta, nhân dân ta; là sự thống nhất và toàn vẹn: “đất nước ta là một, dân tộc ta là một”; là thể chế chính trị: dân chủ cộng hòa; là mục tiêu: dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc; là bản sắc dân tộc: văn hiến Việt nam; là quan hệ quốc tế: độc lâp, tự chủ và hợp tác hội nhập.
Ngoài những bất biến tuyệt đối có thể có những bất biến tương đối có tính sách lược tùy thuộc thời điểm.
3.- Mục tiêu biến đổi: dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh.
4.- Động lực biến đổi: là tất cả các nguồn nội lực được giải phóng và khơi dậy tối đa; là thu hút các nguồn ngoại lực; là hợp tác quốc tế và là thuận theo xu thế thời đại.
5.- Phương thức biến đổi: chấp nhận mọi phép biến đổi bảo toàn bất biến và hướng tới mục tiêu. Các phép biến đổi khác không thỏa mãn các yêu cầu trên đều phải loại trừ.
Thực tiễn những năm qua cho thấy chúng ta đã chọn lựa được những chủ trương chính sách, cũng là những phép biến, để tạo ra được những đột phá tiệm cận mục tiêu hoặc đã có những cơ chế để ứng vạn biến mà vẫn bảo toàn bất biến cơ bản. Hy vọng trong tương lai gần, với công sức và trí tuệ toàn dân, với những quyết sách đúng đắn và sáng tạo của đảng chúng ta sẽ tìm ra các phép biến đổi có sức tác động mạnh mẽ hơn nữa nhằm xây dựng đất nước ta ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Nhân đây tôi xin bàn thêm một chút về một tính chất mà ta đã thừa nhận như một bất biến, đó là: Vai trò tiên phong cách mạng của giai cấp công nhân.
Chúng ta đều biết giai cấp công nhân có những ưu điểm cơ bản để có thể là giai cấp đại diện cho lực lượng tiến bộ nhất và cách mạng nhất. Nhờ thế giai cấp công nhân và chính đảng của nó xứng đáng là người lãnh đạo cuộc cách mạng xóa bỏ áp bức bóc lột, lật đổ phong kiến, đánh bại đế quốc.
Nhưng chúng tôi nghĩ rằng để kiến tạo xã hội mới với sức sản xuất và quan hệ sản xuất mới thì giai cấp công nhân còn thiếu một tâm thế làm chủ. Điều này không phải là lỗi của họ mà là một tồn tại lịch sử. Bởi công nhân nước ta phần lớn là nông dân bị bần cùng hóa, họ chỉ còn cách làm thuê cho tư bản để kiếm sống. Rồi từ năm này qua năm khác, đời này qua đời khác trong họ hình thành tư tưởng làm thuê. Biểu hiện của tư tưởng này là sự thụ động chỉ đâu đánh đó, là sự thiếu nỗ lực, thiếu chủ động sáng tạo, là tâm lý dè dặt sợ sệt đi kèm với thái độ bất mãn thậm chí chầy bửa và phá phách. Điều này là tất yếu thôi, vì họ bị áp bức, bị bóc lột, và họ không còn gì để mất.
Chuyển sang chế độ mới họ không được chuẩn bị một tâm thế, một năng lực làm chủ từ đầu. Họ vẫn thấy mình chỉ là người làm công ăn lương, không phải làm thuê cho ông chủ tư nhân thì cũng là làm thuê cho ông giám đốc nhà nước. Còn ông giám đốc thì ban đầu cũng từ công nhân mà lên, cũng là đồng chí, về sau thì thành sếp, thành ông chủ, rồi thành đai gia lúc nào không hay. Các nhân viên công quyền cũng thế. Rồi tha hóa biến chất diễn ra làm cho người có quyền càng ra vẻ ông chủ hơn, còn người công nhân thì càng nặng nề tâm lý làm thuê hơn. Trong các liên doanh hiện nay điều này càng rõ nét hơn nữa.
Không làm chủ còn ở chỗ luôn chịu sự lãnh đạo chăn dắt của người khác từ đường đi nước bước đến tư tưởng, nghĩ suy, yêu ghét...Lâu dần họ mất hết tư duy độc lập, mất dần sự tự tin, mất dần tính sáng tạo. Khi đó họ không còn là động lực của CM.
Đáng ra chúng ta phải chuẩn bị tâm thế làm chủ cho công nhân ngay từ khi giành được chính quyền. Nhưng chúng ta đã chậm làm điều đó. Với nông dân cũng vậy. Đó có vẻ là những lỗ hổng lý luận. Khi trở lại khoán hộ, chúng ta đã khắc phục được phần nào lỗ hổng ấy. Đấy là với nông dân, nông thôn. Còn với công nhân, công nghiệp thì sao?...
Chỉ khi nào công nhân có đủ tâm thế của người làm chủ thì khi đó công nhân với chính đảng của nó mới có thể lãnh đạo và thực thi công cuộc xây dựng chế độ mới một cách vững vàng. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, mà về phía người lãnh đạo, người quản lý (hầu hết là cán bộ đảng viên), cũng phải có sự chuyển biến tâm thế. Từ tâm thế bề trên kẻ cả sang tâm thế đồng chí đồng sự. Điều đó chỉ có được khi chúng ta xóa bỏ đặc quyên đặc lợi, kể cả đặc quyền chính trị, đông thời không ngừng nâng cao phẩm chất và năng lực để thực sự xứng đáng là “người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân”.
Đảng không nên độc quyền chính trị vì đảng tôn trọng nhân dân, tôn trọng giá trị thiêng liêng “không có gì quý hơn độc lập tự do”, không chỉ cho toàn dân tộc mà còn cho mỗi một người dân. Sự tôn trọng đó là một trong những yếu tố cơ bản để đảng giành được sự ủng hộ của toàn dân, để nhân dân tín nhiệm chọn đảng là đảng cầm quyền.
Đảng không nên độc quyền chính trị còn vì đảng cần và phải đoàn kết và phát huy sức mạnh toàn dân tộc, “không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt nghề nghiệp đảng phái…” đồng tâm xây dựng đất nước “thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Không độc quyền mà được toàn dân tin tưởng trao cho vị thế cầm quyền, đấy chính là phép màu của sự đổi mới tiếp theo. Chúng tôi tin tưởng như thế. Lịch sử đã chứng tỏ điều đó khi đảng ta lãnh đạo toàn dân “đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ” để hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đó là bài học lịch sử vô giá cả về lý luận lẫn thực tiễn.
Bất biến là một phương pháp, bất biến tuyệt đối là nguyên tác bất di bất dịch, mục tiêu là ước vọng, là lý tưởng của chúng ta, còn phép biến đổi thì vô vàn và chúng ta phải sáng suốt chọn lựa những biến đổi phù hợp để đảm bảo mục tiêu và bảo toàn bất biến. Đấy chính là công việc của những người vạch ra đường lối và các quyết sách. Đảng ta là đảng cầm quyền. Đảng ta chính là người được toàn dân tin tưởng giao cho trọng trách làm phép chọn lựa quyết định ấy. Đó chính là sinh mệnh chính trị của đảng.
Ngày 28-2-2005.
(Bài này tôi đã gửi văn phòng số 1 Hùng Vương- Hà nội theo ngày ghi ở trên nhưng chưa có hồi âm, nay xin lên trang blog)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét